Những ai đã biết Tạ văn Tiến, chủ đầu tư Công ty cổ phần phát triển Phú Mỹ, đều thán phục nghị lực “vươn lên”của em. Cha hy sinh từ khi còn ở trong bụng mẹ, lớn lên Tiến được vào học ở trường Nguyễn Viết Xuân dành cho con em thương binh, liệt sĩ. Đến tuổi trưởng thành, không thi đậu đại học, thương mẹ vất vả Tiến chọn con đường “học nghề” ở trường từ thiện Hoa sữa; rồi “làm thợ” sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt. Ra trường, Tạ văn Tiến  đi làm ở nhiều nơi để vừa để đỡ đần mẹ vừa lo tích góp để có chút vốn làm ăn. Năm 2004 với cơ sở sản xuất nhỏ chuyên sản xuất “bánh bao Thượng Hải, bánh bao Malaixia, Tạ văn Tiến và người bạn đời của mình là Nguyễn Thị Thu Trang đã bươn chải, làm mọi công việc từ trực tiếp dạy nghề đến đào tạo tay nghề cho công nhân. Hơn 1 năm sau, khi  hệ thống siêu thị có mặt tại Việt nam thì sản phẩm của Công ty Phú Mỹ đã có bán tại tất cả các cửa hàng của các siêu thị lớn như Metro, Big C, Hapro, Unimex..v.v..Đến nay, Công ty cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối hàng tại tất cả các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh ở miền Trung. Riêng bánh bao, Công ty đã sản xuất được gần 20 loại khác nhau như bánh bao chay, bánh bao thập cẩm, bánh bao xíu mại, bánh bao xá xíu..v..v.. Vốn đầu tư của Công ty lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hàng năm nộp thuế cho nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

 

Những ai  đã quen biết Tạ văn Tiến đều có chung nhận xét “Ông chủ đầu tư Công ty Phú Mỹ là một người nặng tình”. Chả thế mà trong buổi lễ khánh thành xưởng sản xuất bánh bao thứ 2 của Công ty, tại Khu công nghiệp Thạch Thất-Hà nội, tháng 12 năm 2011, khách mời phần lớn là những thầy cô giáo ở trường Nguyễn Viết Xuân,các bác, các thầy cô ở trường Hoa sữa và những người bạn cùng chia ngọt xẻ bùi trong những ngày đầu mới bước vào thương trường. Người cắt băng khánh thành là bà Phạm Thị Vy, nguyên hiệu trưởng và là một trong những người sáng lập ra trường  Hoa sữa. Cơ sở  mới tọa lạc trên diện tích 1500m2, là ngôi nhà 2 tầng bao gồm cả xưởng sản xuất, nhà ở, nhà ăn và sân chơi của Công ty đã phần nào nói lên ý tưởng “làm ăn lớn” và bài bản của 2 vợ chồng chủ đầu tư Công ty Phú Mỹ. Dây truyền sản xuất bánh bao hiện đại của Công ty được nhập từ Nhật bản và Đài Loan, với quy trình khép kín từ nhào bột đến đóng gói sản phẩm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Công ty đã nhập khẩu khu khử bụi, khử mùi hiện đại; kho bảo quản hàng luôn ở nhiệt độ -18 độ C. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty nhập khẩu nguyên liệu chính như bột mỳ, bơ của các hãng nước ngoài; các nguyên liệu khác từ các cơ sở đã qua kiểm định của nhà nước. Công ty đã và đang xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2005.

 

Quan điểm của ông chủ Công ty Phú Mỹ : muốn “giữ” được khách hàng thì  phải chứng minh bằng sản phẩm. Muốn chứng minh được bằng sản phẩm thì hàng phải chuẩn. Muốn hàng chuẩn thì phải kiểm tra kĩ nguyên liệu trước khi sản xuất. Muốn “tiếp thị”và giới thiệu sản phẩm, công ty gửi nhân viên đến làm việc tại quầy bán sản phẩm của các siêu thị. Theo Tạ Văn Tiến thì điều quan trọng hơn nữa là “nhà sản xuất” là phải “giữ” được công nhân . Muốn giữ được công nhân phải có những chính sách vừa có tình vừa có lý. Muốn công nhân yên tâm làm việc, Công ty đã xây dựng khu nhà ở đầy đủ tiện nghi và đảm bảo 2 bữa ăn chính cho công nhân. Muốn bảo đảm kỉ luật làm việc, Công ty đã lắp đặt hệ thống kiểm tra bằng thẻ từ. Còn ông chủ muốn kiểm tra các khâu công việc thì kiểm tra bằng…. điện thoại di động đã được nối mạng với tất cả các phòng ban, các phân xưởng sản xuất. Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc đều dễ dàng đối với một doanh nghiệp nhỏ.  Tiến tâm sự: Là doanh nghiệp nhỏ nên bọn cháu thiệt đủ điều. Vay vốn phát triển sản xuất rất khó; sản xuất mặt hàng thuộc loại hàng “bình ổn giá” nhưng có được nhà nước hưởng “chế độ”đâu!!! Đến như muốn tham gia đấu thầu đất để xây dựng cơ sở 2 cũng không được, đành phải mua lại của “đại gia” với giá lên tới 5,5 triệu/m2. Trong khi đó bán hàng cho các bạn hàng nước ngoài thì đơn giản, được thanh toán đúng hạn còn bán hàng cho hệ thống Hapro thuộc Tổng công ty thương mại thì khó khăn và tới 60 ngày mới được trả tiền”.

 

Tôi hỏi về kế hoạch. Tiến nói: “Năm 2012 này, cháu cố gắng đưa hàng vào các tỉnh phía nam. Cháu đã “nghiên cứu khẩu vị” của khách hàng miền nam rồi”. Còn “mơ ước”? Tiến cười và nói: “ Tham vọng thì nhiều nhưng sức người có hạn cô ạ. Cháu nghĩ cứ từ từ mà làm rồi sẽ lo sau”!!! Đó là cách làm của một doanh nhân đi lên từ 2 bàn tay trắng, học kinh doanh theo kiểu “các cụ ngày xưa”- lấy chữ tín làm kim chỉ nam đúng như Phương châm cho chính sách chất lượng mà Công ty đã đặt ra là: “Phú Mỹ-chất lượng là thương hiệu, uy tín là nền tảng của sự thịnh vượng”.

 

Bà Phạm Thị Vy, Bà Phan Tuyết Lan - Sáng lập viên của trường thăm cơ sở sản xuất của anh Tạ Văn Tiến

 

Sự nghiệp của Anh Tạ Văn Tiến không chỉ dừng lại là ông chủ của Công ty Bánh Bao Phú Mỹ mà Anh Tiến còn là một trong những cổ đông của Công ty Cổ phần Du thuyền Big Bay Việt Nam. Mặc dù, đã rời xa ngôi trường Hoa Sữa đã lâu nhưng Anh Tiến vẫn thường xuyên quay về trường giúp đỡ từ hỗ trợ cơ sở vật chất, tặng học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những đàn em có cùng hoàn cảnh như mình. Anh Tiến thường xuyên về trường đón nhận học sinh với hai chuyên ngành Chế biến món ăn và Nghiệp vụ Lưu trú (Buồng) sang đơn vị anh thực tập. Anh Tiến nói: “Thầy cô và các em hãy yên tâm một điều, khi Công ty đã đón nhận các em về thực tập bên Tiến sẽ đào tạo, giúp đỡ các em hết sức để các em không những ứng dụng kiến thức thầy cô truyền đạt mà còn tự tin phát huy hết khả năng của mình tại Doanh nghiệp. Hi vọng, trong tương lai các em sẽ thành đạt, sẽ có một tiền đồ đầy sáng lạng”.

 

 

Anh Tạ Văn Tiến và một số đối tác trao tặng thiết bị Phòng học Bánh Mỳ - Bánh ngọt cho Trường

 

 

Anh Tạ Văn Tiến về Trường đón Nhận học sinh đang đơn vị thực tập