Lịch sử hình thành

Đầu năm 1997, phụ huynh của một số trẻ người câm điếc sau khi học ở các trường câm điếc như Xã đàn, Trung tâm dạy trẻ khuyết tật ở thủ đô, sau khi học xong không biết làm gì… tới Hoa Sữa đề nghị trường giúp dạy nghề cho con em họ. Vì trường Hoa Sữa đã có uy tín về đào tạo nghề và tạo việc làm miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ban lãnh đạo Hoa Sữa đã nghiên cứu cho ra đời chương trình đào tạo nghề May – Thêu dành cho thanh niên khiếm thính.

 

 

Trung tâm người khuyết tật

 

 Ban đầu Cụ Phạm Viết Song, một họa sĩ nổi tiếng, một thầy giáo có nhiều kinh nghiệm dạy cho người câm điếc đã xây dựng giúp trường một chương trình dạy vẽ để bổ túc thêm cho các em kiến thức hội họa, nhằm tăng cảm nhận về hình khối và màu sắc. Chương trình này đã có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho việc đào tạo nghề may và thêu cho học sinh khuyết tật.

Với chủ trương “Người khiếm thính dạy người khiếm thính”, trường đã đào tạo và bồi dưỡng được 10 em khá giỏi thành giáo viên dạy nghề. Cảm thông với Nhà trường. Chủ tịch hội người điếc Tây Ban Nha- ông Felix đã sang Hoa Sữa để trợ giúp nhóm giáo viên này về sư phạm và tài trợ cho 5 giáo viên khiếm thính của trường sang Tây Ban Nha thực tập, hòa nhập với hội người điếc Tây Ban Nha và thế giới để mở rộng hiểu biết và tầm nhìn.

 Cũng trên cơ sở giúp cho các giáo viên là người câm điếc có kiến thức và được sự hỗ trợ tích cực của Ban lãnh đạo Nhà trường, bộ Từ điển ký hiệu dùng cho nghề may, thêu đã được xây dựng.

Chương trình dạy nghề cho thanh niên câm điếc cho Hoa Sữa được triển khai từ năm 1997, cho đến nay đã đào tạo nghề May - Thêu cho khoảng 600 thanh niên khiếm thính và khuyết tật. Đây là chương trình dạy nghề nhiều khó khăn vì phần lớn những em ở vùng xa không được học hành đầy đủ. Vào Hoa Sữa, các em được xen kẽ ngôn ngữ ký hiệu cùng lúc với học nghề. Cuối thời gian đào tạo, 100%  các em được giới thiệu việc làm miễn phí vào các doanh nghiệp dệt may hoặc các cửa hàng may thêu trên toàn quốc. Một số doanh nghiệp: Công ty may Dương Gia, Công ty may Chula, Nhà mốt Xuân…

Trong quá trình theo dõi sau khi các em tốt nghiệp được Hoa Sữa giới thiệu việc làm, có rất nhiều em đã trụ lại được với nghề, có được công việc ổn định trong thời gian dài với mức thu nhập khá. Nhiều Cựu học sinh thành đạt đã tự mình mở cửa hàng cắt may tại quê hương, được khách hàng tín nhiệm, được nhiều người biết đến, nguồn thu nhập từ cửa hàng nhỏ không chỉ nuôi sống bản thân mà các bạn còn có kinh tế hỗ trợ gia đình, giúp cho gia đình ngày một khá giả. 

Chất lượng đào tạo nghề cho học sinh khiếm thính, khuyết tật vận động nhẹ tại Trường đã được khẳng định qua những thế hệ học sinh. Trong quá trình đào tạo học sinh đã được rèn về kỹ năng tính chủ động, kiên nhẫn trong công việc. Đội ngũ học sinh của Trung tâm là một trong những nguồn nhân lực đáp ứng cần và đủ cho các Doanh nghiệp.

Hiện nay, Nhà trường còn mở rộng chương trình đào tạo cho học sinh khiếm thính, tự kỷ thể nhẹ các bạn không chỉ tham gia nghề may mà các bạn còn có thể học nghề Bánh mỳ - một số loại bánh cơ bản phù hợp với năng lực. Đây là một trong những điểm mới giúp cho các học sinh có thêm nhiều lựa chọn khi tham gia học nghề tập tại Trường Hoa Sữa.

Sứ mệnh giai đoạn 1997:

" Tất cả vì người khuyết tật, lấy việc đào tạo nghề cho người khuyết tật làm trọng tâm cho mọi hoạt động của trung tâm"

Sứ mệnh giai đoạn từ 2015 - 2017:

" Tạo cơ hội cho người khuyết tật được hòa nhập và giao lưu với cộng đồng thông qua đào tạo và giới thiệu việc làm trong lĩnh vực may mặc, góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình người khuyết tật và xã hội"

Sứ mệnh giai đoạn từ 2017 - nay:

"Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho học sinh khiếm thính, học sinh khuyết tật vận động nhẹ và giới thiệu việc làm miễn phí cho học sinh, mở rộng chương trình đào tạo nghề Bánh mỳ, tạo cơ hội cho học sinh có nhiều sự lựa chọn trong đào tạo nghề. Tạo môi trường cho học sinh tự kỷ thể nhẹ được hòa nhập, giảm bớt bệnh tật, phát triển trí tuệ, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội "

Đối tượng tuyển sinh:

+ Từ năm 1997:    Đào tạo người khuyết tật chủ yếu là câm điếc

+ Từ năm 2003:    Đào tạo thêm các dạng tật như: khuyết tật vận động ở thể nhẹ như gù vẹo cột sống, khuyết tật bẩm sinh về tay hoặc chân, khuyết tật di dạng một tay, cơ thể phát triển chậm (người lùn),  

+ Từ năm 2012:    Mở rộng đối tượng tuyển sinh cho người tự kỷ ở giai đoạn nhẹ,

+ Từ năm 2016:   Đối tượng khiếm thính, tự kỷ giai đoạn nhẹ có thể được học nghề Bánh mỳ - một số loại bánh cơ bản.